Chiều 1/7, BSCKI Huỳnh Thị Thuỳ Trang, khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, các bác sĩ ở đây vừa điều trị thành công cho cô gái 25 tuổi bị lupus ban đỏ biến chứng đa cơ quan là thận, khớp, huyết học và tràn dịch đa màng.

Trước đó, ngày 16/6, chị L.T.Y.P., nhập khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định với tình trạng đau bụng, nôi ói kèm tiêu chảy sau khi ăn tiệc. Tại đây, người bệnh được chẩn đoán viêm dạ dày ruột, theo dõi nhiễm trùng đường tiêu hóa, viêm đa khớp với triệu chứng sưng, nóng đỏ, đau khớp bàn ngón tay, cổ tay, cổ chân trái.

Chị P. cho biết, tình trạng đau khớp này đã xuất hiện nhiều lần trước đó, có đi khám, uống thuốc nhưng không cải thiện.

"Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau bụng, sốt, thường nghĩ nhiều đến nhiễm trùng đường tiêu hóa. Các triệu chứng tại thời điểm nhập viện không điển hình của lupus ban đỏ. Tuy nhiên, khi hỏi kỹ bệnh sử và khám lâm sàng người bệnh hay có tình trạng sưng, đau các khớp một thời gian dài, xảy ra ở người trẻ tuổi là các yếu tố nghĩ nhiều đến bệnh lý tự miễn ở người trẻ", BSCKI Huỳnh Thị Thùy Trang cho biết.

Bác sĩ thăm khám cho nữ bệnh nhân bị lupus ban đỏ biến chứng đa cơ quan là thận, khớp, huyết học và tràn dịch đa màng. Ảnh: Mỹ Hạnh.

Sau đó, người bệnh được chuyển đến khoa Nội Cơ Xương Khớp với các triệu chứng tiểu đạm, tổn thương thận và tràn dịch đa màng gồm màng tim, màng bụng, màng phổi. Các bác sĩ nghĩ nhiều đến bệnh lupus ban đỏ hệ thống có biến chứng đa cơ quan và cho chỉ định thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu của cơ xương khớp, bệnh lý tự miễn.

Kết quả cho thấy chị P. bị lupus ban đỏ hệ thống với biến chứng đa cơ quan. Ngay lập tức, các bác sĩ khởi động phác đồ điều trị lupus ban đỏ hệ thống.

Sau hơn 10 ngày điều trị kết hợp với sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sĩ và người nhà, sức khỏe của người bệnh hồi phục ngoạn mục, các khớp hết sưng đau, hết dịch ở màng phổi, màng bụng, màng tim, các chỉ số lâm sàng cải thiện tốt, tất cả chức năng tạng và máu đều trở về trạng thái bình thường. Chị P. đã có thể ăn uống bình thường và dự kiến được xuất viện trong vài ngày tới.

BSCKII Dương Minh Trí - Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp cho biết, lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý tự miễn, mạn tính, gây tổn thương nhiều tế bào và tổ chức do các kháng thể và phức hợp miễn dịch mà nguyên nhân chưa được biết rõ.

Người bệnh lupus ban đỏ hệ thống có nguy cơ tử vong cao hơn 2-4 lần so với dân số chung. Nguyên nhân chính gây tử vong thường do bệnh hoạt động như tổn thương thần kinh trung ương, tổn thương thận, nhiễm trùng do suy giảm miễn dịch hoặc do các biến chứng tim mạch.

"Do đó, việc chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống", bác sĩ Dương Minh Trí cho hay.

Các bác sĩ khuyến cáo, người bị mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống cần có một cuộc sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý, ngừng thuốc lá và tiêm chủng thích hợp.

Ngoài ra, tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời thường khởi phát hoặc làm nặng các đợt cấp của bệnh nên cần được tránh tiếp xúc tối đa. Việc ngừng đột ngột các thuốc, đặc biệt corticosteroid cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các đợt cấp của bệnh. Do đó, người bệnh cần tuân thủ điều trị, tái khám định kỳ, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường tái khám ngay.